(TVN) Ngày 10/8 vừa qua Hồng Sơn đột ngột bị nhồi máu não không qua khỏi: người nghệ sĩ đã mang cuộc đời đầy biến động về bên kia thế giới.>> Diễn viên Hồng Sơn đã ra đi>> Nghệ sĩ rơi lệ trước sự ra đi của Hồng Sơn
Diễn viên Hồng Sơn trong Ma làng
LTS: Diễn viên Hồng Sơn không chỉ nổi tiếng với những vai diễn ấn tượng trong các loạt phim truyền hình Ma Làng (vai Dỏ), Gió Làng Kình (vai Bài), Cổ vật (vai Voòng Sanh), Chủ tịch tỉnh... mà cuộc đời anh cũng 'nổi tiếng' không kém với quá khứ đầy thăng trầm. Người đàn ông từng có tới 4 ngôi nhà ở khu phố cổ Hà Nội và một gia đình hạnh phúc cùng người vợ đồng nghiệp diễn viên xinh đẹp.
Nhưng tất cả đã tiêu tan vì ma túy. Hồng Sơn từng có lúc thân tàn ma dại thất thểu nơi đầu đường xó chợ, rồi anh quyết tâm cai nghiện, làm lại cuộc đời rồi trở lại với những vai diễn ấn tượng. Những tưởng sóng gió đã qua nhưng năm 2008 anh bị tai nạn nặng tưởng không qua khỏi, nhưng nhờ sự chăm sóc tận tình của con gái, người vợ cũ và bạn bè đồng nghiệp đã giữ anh ở lại cuộc đời.
Nhưng 10/8 vừa qua Hồng Sơn đột ngột bị nhồi máu não không qua khỏi. Người nghệ sĩ đã mang cuộc đời đầy biến động về bên kia thế giới. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà thư pháp Trịnh Tuấn về anh như một lời tiễn biệt Hồng Sơn.
Với đôi mắt có cho tiền...cũng không vui được. Với cái miệng dù cười mà như...đang mếu. Diễn viên Hồng Sơn, người đàn ông đóng phim như nhập cuộc đời mình, đã bước vào cái ngưỡng "ngũ thập niên tri thiên mệnh". Anh càng trở nên "vô ngôn" hơn trong những cuộc giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp với giới báo chí. Có lẽ, tất cả, tất cả với anh, dường như đã đủ...
Vật vã trở mình...trong trại cai nghiệnVới những tay "anh chị" thuộc thế hệ 5X, 6X ở đất Hà Thành, khi nhắc đến diễn viên Hồng Sơn của những năm 90, đều ái mộ anh không vì... những vai diễn, mà vì anh là một trong không nhiều đại gia trong giới ăn chơi, theo kiểu vừa hào hoa lại vừa mang chất kiêu bạc của những chàng trai đất nghìn năm văn vật.
Từng có trong tay đến bốn căn nhà ở phố cổ, từng là chủ một quán bar "hoành tráng" giữa nội đô, đã từng tiêu tiền...không phải nghĩ v.v...Thế nhưng, vù một cái, cả giới phim trường và dân ăn chơi Hà Nội nghe tin Hồng Sơn nghiện ma túy. Trong ký ức của anh, vẫn còn nhớ như in những buổi sớm thức dậy trong nỗi cô đơn xoắn chặt, bạn bè xa lánh, vợ thì ra tòa xin li dị.
Nhà cửa cửa, quán xá theo "nàng Tiên nâu" lần lượt...chầu trời. Một Hồng Sơn trong những vai diễn nổi tiếng như Hoàng trong Đằng sau cánh cửa, Lượng trong Người đàn bà nghịch cát, Bạch Vân trong Cây bạch đàn vô danh...trở thành một "thằng dật dẹo" trong mắt bạn bè. Anh đã trở thành một "thằng ăn xin" đúng nghĩa, mỗi khi gặp ai đó quen biết và hỏi...xin tiền. Đến cả các đạo diễn lúc bấy giờ cũng còn phải kiêng mặt, chỉ vì Hồng Sơn thường hay "mất hút con mẹ hàng lươn" sau khi nhận được tiền cát-xê.
Cô độc, nghèo túng. Cuộc đời quay lưng lại với anh như anh đã...trót quay lưng lại với cuộc đời. Không còn tìm đâu ra lối thoát, Hồng Sơn đã tìm đến cái chết. Anh tự chuẩn bị cho lần "thăng" cuối cùng, bằng một mũi chích quá liều quy định.
Nhưng anh đã không chết được. Cứ như giữa anh và định mệnh vẫn còn một sự cò kè, với những khoản nợ nhau chưa thanh toán hết. Và như anh tâm sự: "Hóa ra, chết cũng khó như...sống vậy! Nên mình cũng ngộ ra được nhiều thứ. Mình còn nợ cuộc đời này nhiều quá, chết như thế, chẳng khác gì là...quỵt nợ. Vả lại, còn đứa con gái bé bỏng của mình nữa. Bố mẹ chia tay, mình thì vất vưởng đủ khổ cho nó rồi. Mình phải sống!".
Những cán bộ trong trại cai nghiện Ba Vì, Hà Tây vẫn còn kể cho nhau nghe về một "con nghiện" nổi tiếng và...tai tiếng.
Nhưng trong từng lời nói, từng cử chỉ của các cán bộ đã từng giúp Hồng Sơn chống chọi lại sự cám dỗ "siêu lực" của ma túy, thì vẫn toát lên một điều gì đó trìu mến và khâm phục lắm. Những tháng ngày trong trại cai nghiện, như Sơn nói, là những thời khắc "đối diện cuộc đời", dẫu có lúc, tự cắn vào tay mình tứa máu, mắt trắng dã ghim vào trần nhà không chớp.
Có lẽ, khi con người ta rơi vào một trạng thái mà tất cả đều phải chịu đựng để vượt qua, thì sẽ hiểu được mình là một giá trị, cho dù, giá trị ấy nhỏ nhoi và có bị tơi tả thế nào. Hồng Sơn đã nghĩ như thế, và suy nghĩ ấy đã cùng anh bước chân ra khỏi trại cai nghiện, khập khểnh làm lại cuộc đời...
Giá trị của sự im lặngHẳn bạn đọc còn nhớ Dỏ trong Ma Làng do Hồng Sơn thủ vai, với câu nói đầy ám ảnh: "Làng Băm Dương này loạn rồi!". Ai cũng nghĩ câu nói đó có trong kịch bản, nhưng sự thật, là do Hồng Sơn chế thêm vào. Chính đạo diễn Nguyễn Hữu Phần là người đầu tiên mỉm cười với sự sáng tạo độc đáo này.
Với những diễn viên giỏi, thì việc sáng tạo thêm lời thoại, hay thêm bớt những chi tiết trong kịch bản, để đẩy nhân vật đến cái tận cùng của tính cách, của số phận, là việc đã có nhiều. Nhưng với Hồng Sơn, câu nói đó lại được chắt ra từ chính chiêm nghiệm của anh. Ít ai biết rằng, sau khi cai nghiện trở về, anh đi thuê một căn phòng nhỏ ở khu Giáp Bát để...ở ẩn đến gần một năm.
Trong thời gian này, Sơn đã học được cách im lặng để lắng nghe mình, nhắm mắt để thấy mình rõ hơn, thấy người tường tận hơn. Chính điều này, đã giúp Sơn nhập vai Dỏ một cách hết sức tự nhiên.
Ở đâu đó trong Dỏ có chút khù khờ, đôi khi hồn nhiên đáng thương, và những đức tính chân chất, thẳng thắn, thể hiện sự không sợ cường quyền hơi...lỗ mãng, thì trong Hồng Sơn cũng có tương tự những điều ấy. Anh chỉ việc hẩy nó vào vai diễn, bằng cái nét mặt trời cho và thêm pha đôi chút kỹ năng nghề, là khiến cho vai diễn có thể ký gửi được hình ảnh trong trái tim người xem.
Trong những ngày gần đây, anh đang rất bận bịu với những cảnh quay cuối cùng cho bộ phim Gió làng kình. Với anh bây giờ, tiếng kêu của một cú điện thoại cũng trở nên ồn ào trong đôi tai mở toang mà như khép.
Từ khi làm phim Ma làng, anh có thói quen hay ở lại nhà dân sau mỗi ngày lăng xăng nhập cảnh. Ăn ở với những người nông dân chân lấm tay bùn, đêm hít mùi bùn ngấu, mùi phân trâu, để thấm thía hơn cái mùi lúa gạo. Và bây giờ cũng thế. Sau mỗi ngày đi diễn, anh trở về căn phòng thuê bé nhỏ, nhấp đôi ba chén rượu, ngắm nhìn những bức tranh của con gái anh vẽ, an nhiên cười với sự im lặng viên mãn...
TRỊNH TUẤN
-------------------
Nghệ sĩ Hồng Sơn trả lời phỏng vấn báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh năm 2009- Rất khó hiểu trong trường hợp của anh: Sự nghiệp đang lên, tiền bạc rủng rỉnh, vợ đẹp, con ngoan..., ấy thế mà anh lại vướng vào ma túy?- Là do đam mê cờ bạc, rồi thức đêm, thi thoảng thử một tí và dính vào lúc nào không hay.
- Anh có cho rằng môi trường của các anh nhiều "cạm bẫy" hơn nên cũng dễ sa ngã hơn? Bằng chứng là ngày càng nhiều các nghệ sĩ dính vào các scandal tình ái, cờ bạc, ma túy...?- Đó không phải là vướng vào cạm bẫy mà là do mình chính bản thân mình. Khi nghiện tôi đã 40 tuổi rồi, đâu phải trẻ con nữa mà nói là mắc vào cạm bẫy.
- Nghe nói có lần nhận vai xong, anh ôm cọc tiền cát-xê biến mất? Điều tội tệ nhất anh từng làm trong quãng thời gian nghiện ngập ấy là gì?- Khi làm phim Người Hà Nội, tôi đã nghiện rồi. Những phim sau này tôi thường xuyên phải xin đạo diễn ra ngoài để... chích rồi mới tiếp tục diễn được. Giai đoạn sau này nữa thì cứ ôm được tiền cát-xê là tôi chạy mất... Ban đầu các đạo diễn không biết nên còn mời, sau không ai dám mời tôi nữa.
Tôi sa sút đến mức thiếu nên liều đi ăn cắp. Có lần đến nhà người bạn định xin tiền nhưng thấy nhà họ đang tổ chức sinh nhật con. Khách khứa đến toàn những đôi giày rất đẹp và xịn. Tôi cứ đi ra đi vào định nhấc một đôi, cuối cùng thì quyết định... không nhấc một đôi nào cả.
Tôi giữ đúng như lời mẹ dạy: "Sau này có thế nào cũng đừng bao giờ trộm cắp của ai". Chỉ một lần cạy tủ ở nhà khi ông bố đang ngủ để lấy tiền.
- Còn bạn bè đối xử với anh thế nào?- Nhìn thấy thằng nghiện, họ sợ bỏ xừ. Nghiện, dật dờ, rồi lê đôi dép quèn quẹt ở đường... Ngày trước, không hiểu sao tôi nhớ được hết địa chỉ của mọi người. Cứ thấy mình mà đến là họ phải chòi ra mấy trăm. Thử hỏi thế làm sao người ta không xa lánh. Còn quá "ma làng"! (Cười).
Tới khi thấy tôi về, bạn bè không tin. Nhưng nói chung, mình làm mình mình chịu thôi. Tôi nghĩ nếu một người nghiện đi cai về mà cứ để tâm xem người khác nghĩ thì gì thì sớm muộn cũng tái nghiện thôi.
- Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại. Sao anh phơi bày toàn bộ sự thật ra trước bàn dân thiện hạ như thế?- Tôi chỉ nghĩ đơn giản bệnh mình chữa khỏi rồi, người ta hỏi thì thẳng thắn nói là đã khỏi. Cứ giấu giếm mới dễ bị nghiện lại.
"Thi thoảng, tôi vẫn mơ mình đi... mua thuốc"Hồng Sơn nhớ lại năm 2001: Không chịu được cảnh thằng con thân tàn ma dại vì ma túy, bố Sơn đã làm đơn đề nghị chính quyền địa phương đưa anh đi cai. Sau lần tự sát bất thành, Sơn tự nguyện lên phường.
Hai ngày sau khi anh đi, ông bố qua đời, phần vì tuổi già, phần vì đau buồn, thất vọng về đứa con trai duy nhất. Nhưng phải một tháng sau anh mới hay hung tin. Những ngày đầu sống ở trại, khi bị những cơn vật hành hạ, Sơn bảo anh vẫn nghĩ nhiều đến cái chết.
- Anh lại nghĩ đến cái chết có phải vì không chịu được khổ ở trung tâm?- Vào đó, tôi buộc phải sống như một người lính, thậm chí còn khổ hơn thế. Nhưng cái cảm giác mất tự do mới kinh khủng. Tôi vào trung tâm khi đã nghiện quá nặng rồi nên nên vật vã thèm thuốc là điều không tránh khỏi.
Hơn một năm ở trung tâm, tôi đã dứt hết cơn rồi, thế mà thi thoảng lại nằm mơ mình đi... mua thuốc. Tôi cố không nghĩ đến nó nhưng cái ám ảnh vẫn rất mạnh.
- Anh đã vượt qua những khủng hoảng đầu tiên ấy như thế nào?- Ở trung tâm, tôi trồng một cây xương rồng. Tôi cứ tính từng ngày, chờ từng ngày cây lớn lên. Nó được trồng trong một ống bơ, đến khi cái ống bơ rỉ nát ra rồi mà cây vẫn sống, vẫn xanh tươi. Điều ấy có ý nghĩa với tôi lắm!
Có điều nữa khiến tôi phải quyết tâm vượt qua là con gái. Khi tôi đi cai, con gái cứ đứng ở cửa công an phường khóc. Hình ảnh đó không bao giờ tôi quên được.
Tôi chỉ lao động trong tháng đầu khi mới lên, cũng đi đào giếng, tưới chè... Nói chung rất vất vả. Sau đó tôi làm việc tại đội văn nghệ. Đội văn nghệ của tôi gồm 40 người. Diễn viên là các học viên do tôi đào tạo, nhiều em diễn còn hay hơn chuyên nghiệp.
Tính ra, tôi phải dựng khoảng 100 vở nhưng đến giờ chỉ còn giữ được mươi vở. Những vở tôi dựng mang đi thi thố toàn được giải cao (cười).
- Chương trình cai nghiện bắt buộc chỉ kéo dài một năm, anh xin ở lại thêm năm nữa do không tự tin?- Sau một năm, khi tôi xếp hàng ra về thì ông giám đốc trung tâm hớn hở chạy vào nói: "Mày ở lại!". Chính con gái tôi đã "gửi" tôi ở lại thêm một năm nữa.
- Nếu một năm anh về có đoạn tuyệt được với ma túy không?
- Lúc đó tôi đã xác định rồi nên một năm là đủ nhưng con gái cẩn thận quá nên bắt bố ở lại thêm năm nữa. Khi ấy, nói thực tôi cũng bực mình và ốm mất mấy ngày do không ăn uống.
Tuy trong thâm tâm tôi biết con gái mình đã đúng nhưng ở đó mất tự do, ai chẳng thèm không khí xã hội. Phải 2 tháng sau con tôi mới dám đến thăm. Nó toét miệng cười, còn tôi thì nói: "Mày giết bố!" (cười).
Lại làm người tử tếCuối năm 2003, con gái đón bố Sơn từ trung tâm cai nghiện về phòng trọ cô thuê. Sơn kể anh đã ở lì trong nhà mất 8 tháng đầu, hoàn toàn không tiếp xúc với ai. "Công việc" thường xuyên khi ấy là nhìn trần nhà và xem thạch sùng... "gáy".
Sơn nói đó là cảm giác của sự tự ti. "Khi ra khỏi trại, ai chẳng vui nhưng về đất sống hẹp, tiền không có nên nhiều lúc tôi muốn xin vào trại để hướng dẫn mọi người trong đó".
- Xin hỏi thật, giờ anh có còn gặp lại những bạn nghiện khi xưa không?- Những bạn nghiện trước đây khi trở về tôi thấy họ vẫn nghiện. Thi thoảng đi làm có cậu gọi, tôi biết ngay nó đang "vã" nên cho mấy chục rồi đi. Có người bảo làm thế là tiếp tay, tôi không nghĩ vậy.
Thằng nghiện đang "vật" thì rất liều, tôi cho nó tiền có thể sẽ tránh khỏi được một tội ác gần kề sau đó. Hơn nữa, tôi đã từng lê lết như họ nên ít nhiều cảm thông với họ. Tất nhiên, cái gì cũng phải có 2 mặt.
- Họ có lôi kéo anh "hội nhập" trở lại không?- Khi rời khỏi trung tâm, tôi biết đó là điều khó tránh khỏi. Nhưng tôi nhớ cái cây xương rồng ở trung tâm. Vừa qua, tôi quay lên để dựng vở cho trung tâm. Tôi đã gặp rất nhiều người cùng cai nghiện với tôi. Họ cứ ra vào đó như đi chợ. Bệnh ấy người ta gọi là bệnh nhờn thuốc.
- Mỗi lần về lại đó, cảm giác của anh thế nào?- Như trở về nhà mình. Bởi nơi đó đã giúp tôi trở lại thành một con người. Sau khi trở về, tôi đã giúp rất nhiều gia đình đưa con đi cai nghiện. Tôi coi đây như món nợ đời.
Tôi đã đưa khoảng 40 em lên trung tâm, trong đó có cả con của những ông bộ trưởng. Họ muốn tôi giúp vì không muốn cho phường, xã biết. Có ông vụ trưởng gọi điện thoại cho tôi, đầu tiên cũng không nói thẳng mà chỉ nói: "Tôi muốn gặp anh vì quý anh".
Nhưng sau khi tôi đến mới rỉ tai bảo có một thằng con nghiện. Vào nhà, tôi thấy ông ấy nhốt cậu con trai trong cũi sắt. Tôi bảo ông ấy cứ mở cũi để cho cậu bé ra nói chuyện. Thằng bé nhìn thấy tôi thì sợ. Tôi hỏi: "Mày có chấp nhận đi cai không?". Cậu bé trả lời: "Cháu chấp nhận!".
Tôi nói với ông vụ trưởng đi mua thuốc cho nó hút thoải mái đến sáng hôm sau và không nhốt vào cũi sắt nữa. Có 2 khả năng: một là đêm thằng bé đi trốn để không bao giờ quay về nữa; 2 là ở nhà sáng mai đi cai.
Sáng hôm sau, cậu bé đó lên xe tôi đưa đi. Khi ngồi trên xe, cậu bé đó hỏi tôi: "Thầy ở trên đó về đón em à?". Tôi trả lời: "Không, thầy không phải là thầy giáo ở trên đó mà thầy là đồng đội của em". Cậu bé trợn mắt ngồi nhìn, còn ông bố ngồi ghế trên cười khành khạch và nói: "Là sư phụ của mày đấy!". Cậu bé này giờ đã cai được, vừa đi học ở nước ngoài về và đã lấy vợ.
- Trong số những người anh đã giúp đỡ, có bao nhiều người thực sự cai nghiện thành công?
- Khoảng 5 người. Được như thế tôi đã là người quá mát tay rồi. Bản chất của người nghiện là rất yếu đuối, bởi yếu đuối nên mới nghiện. Cái quan trọng hơn nữa là phía gia đình, gia đình còn chiều thì con cái còn nghiện.