.Thoạt nhìn thì chúng chỉ là những chiếc túi hết sức bình thường nhưng sức chứa của chúng thì thật là phi thường. Thỏi son, cái lược, bút máy, khăn mùi xoa, bút kẻ mắt, vé tháng xe bus, nước hoa, sổ điện thoại, ví tiền, các hoá đơn thanh toán tiền… Và những chiếc túi ấy cũng có những quy luật tồn tại riêng không thuộc phạm trù giải mã của các nhà khoa học.
Quy luật 1: Thứ cần tìm bao giờ cũng ở dưới đáy. Tất cả mọi thứ phụ nữ cần tìm đều ở dưới đáy, một thỏi son, lúc cần, phụ nữ phải bới qua nào bút máy, nào lược, nào chìa khoá và trong lúc vội vàng hay bực tức, cách duy nhất để lấy thứ cần tìm là… dốc ngược túi, và vật cần tìm, vẫn cứ ở dưới cùng.
Quy luật 2: Cái cần thì chẳng thấy đâu: Chắc hẳn bất cứ người phụ nữ nào cũng từng rơi vào cảnh tượng cuống cuồng lục túi mà không thấy thứ cần tìm đâu, ăn xong không tìm thấy ví tiền, về nhà không thấy chìa khoá, thay vì tìm thấy lọ sơn móng tay như mong muốn thì họ lại vớ phải lọ nước rửa móng. Về điểm này thì nó giống với quy luật miếng bánh mỳ rơi xuống bao giờ cũng là mặt có bơ.
Quy luật 3: Vừa ở đây lại đi đâu. Hiển nhiên là bạn vừa thấy cái lược trong túi, thế mà bây giờ thì chẳng thấy đâu cả. Đồ vật của bạn cứ không cánh mà bay. Thế rồi một hôm, bạn đi tìm thỏi son thì cái lược lại lù lù xuất hiện như thể trêu tức các bà các cô.
Tóm lại, chiếc túi xách phụ nữ tồn tại chẳng theo logic nào cả. Sau những lần kiếm tìm đầy mệt mỏi, phụ nữ bao giờ cũng sắp xếp lại cái túi cho quy củ, gọn gàng hơn, nhưng chỉ được 2 hôm, những quy luật này lại lặp lại đầy ngoan cố. Sau những lần như thế, người ta phát hiện ra, phụ nữ có thần kinh thép khi sống chung với những chiếc túi bất trị của mình.